Nội dung Hán ngữ: Sự thật và Ảo tưởng

Cuốn sách có một bài dẫn nhập và bốn phần, tổng cộng 15 chương.[1] Có 11 trang có bảng chữ viết Hán ngữ.[2] Các ghi chú cho chương, bảng chú giải, mục lục, danh sách tham khảo, và danh sách đề xuất đọc đều nằm ở cuối sách. Có 251 trang văn bản nếu không tính bài dẫn nhập, bảng, và ghi chú cuối sách.[2]

Phần I là "Suy nghĩ lại về Hán ngữ" (Rethinking The Chinese Language). Phần II và III, "Suy nghĩ lại về chữ Hán" (Rethinking Chinese Characters) và "Tháo gỡ lầm tưởng về chữ Hán" (Demystifying Chinese Characters), bàn về chữ Hán. Phần IV là "Cải cách Hán ngữ" (Chinese Language Reform), bao gồm ý kiến của DeFrancis là điều gì sẽ xảy ra nếu mà những quan niệm sai lầm về Hán ngữ còn tiếp diễn. A. Ronald WaltonĐại học Maryland, College Park có viết rằng các tiêu đề như vậy chỉ ra rằng cuốn sách này sử dụng cách tiếp cận là trình bày thực kiện để làm "phản luận" cho những quan niệm sai lầm về Hán ngữ.[3]

Khoảng 201 trang, tức khoảng 80% của cuốn sách, là bàn về văn tự Hán ngữ.[2] Phần II, Phần III và phần lớn Phần IV thảo luận về văn tự Hán ngữ. Phần I có thảo luận về Hán ngữ văn nói.[4]

Cuốn sách thảo luận về những nỗ lực cải cách Hán ngữ diễn ra vào thế kỷ 20, cũng như quá trình phát triển của chữ Hán theo thời gian.[5]

Sáu lầm tưởng

DeFrancis dành một phần khá lớn trong cuốn sách để thử vạch trần mấy cái mà ông gọi là "sáu lầm tưởng" về chữ Hán. Các lầm tưởng đấy là:

  • Lầm tưởng về tính ghi ý (The Ideographic Myth): Chữ Hán thể hiện ý tưởng chứ không phải âm thanh.
  • Lầm tưởng về tính phổ quát (The Universality Myth): Chữ Hán cho phép người nói các ngôn ngữ khác nhau có thể đọc hiểu được văn bản của nhau. (Còn nữa, điều đó khả dĩ đến nhường vậy là nhờ tính chất đặc biệt nào đó mà chỉ riêng chữ Hán mới có.) Hơn nữa, Hán văn từ hàng ngàn năm trước thì ngày nay bất kì người Trung Quốc biết đọc biết viết nào cũng có thể đọc hiểu được ngay.
  • Lầm tưởng về tính khả noi theo (The Emulatability Myth): Người ta có thể sao phỏng căn tính của chữ Hán để tạo ra văn tự phổ quát, hoặc để giúp những người mắc chứng khó học tập đọc được.
  • Lầm tưởng về tính đơn âm tiết (The Monosyllabic Myth): Tất cả các từ trong Hán ngữ đều có độ dài một âm tiết. Hoặc, bất kỳ âm tiết nào có trong từ điển Hán ngữ đều có thể đứng một mình làm một từ nào đó.
  • Lầm tưởng về tính bất khả phế bỏ (The Indispensability Myth): Cần có chữ Hán thì mới có thể thể hiện được Hán ngữ.
  • Lầm tưởng về tính thành công (The Successfulness Myth): Chữ Hán là nguyên nhân dẫn đến mức độ biết chữ cao ở các nước Đông Á. (Một phiên bản đỡ hơn của lầm tưởng này thì đơn thuần là: mặc dù chữ Hán có khiếm khuyết thì các nước Đông Á vẫn có mức độ biết chữ cao.)

Tất cả các ý này được bàn luận kỹ lưỡng trong các chương riêng biệt trong cuốn sách.